Âm thanh và cuồng nộ
- Sự Kiện
- cách đây 3 năm
- 344 lượt xem
- Nguồn: www.giacngo.vn
GN - Hiện nay, tiếng ồn thực sự là vấn nạn lớn của xã hội. Nó đã và đang tác động rất tiêu cực đến chất lượng cuộc sống người dân từ thành thị đến nông thôn, gây nên những hậu quả chưa đo lường hết được.
- “Củng cố niềm tin cho Phật tử là nhiệm vụ quan trọng”
- Hội thảo về Phật học Việt Nam thời hiện đại
- [Video] Hội thảo về Phật học Việt Nam thời hiện đại
- Vì thương Phật…
- Sự kế tục làm sáng đạo giữa đời
Xin thưa ngay rằng với nhan đề bài viết, không phải chúng tôi muốn đề cập đến kiệt tác văn học của William Faulkner, là tiếng gầm gào của một thằng ngốc giữa một xã hội Hoa Kỳ đổi thay và mang nặng tính vật chất những năm đầu thế kỷ trước. Một câu chuyện ảm đạm về nỗi thất vọng nhưng hiện lên hình ảnh tuyệt đẹp của con người với lương tri thánh thiện và trong sáng mà William Faulkner đã sáng tạo và ngợi ca.
Ở đây chúng tôi muốn nói đến tình trạng đã và đang diễn ra đều khắp trên đất nước mình, không chỉ là tiếng kèn xe nhấn vô tội vạ, bất chấp bệnh viện hay trường học, mà cả phong trào ca hát với âm thanh “khủng bố” (trở thành tiếng ồn - noise - bằng những dàn karaoke âm lượng lớn khắp thôn cùng ngõ hẻm, từ thành thị đến nông thôn…
Từ nhà ra phố, từ giải trí đến trấn áp
Chúng ta không khó để đếm được rất nhiều những bài báo nói về thực trạng hay tệ nạn này. Nơi nơi người người, trừ những kẻ tham dự, đều khổ sở vì “phong trào” khoe ca hát. Không rõ tự bao giờ, các cửa hiệu kinh doanh ngày ngày mở loa hết công suất với những bài hát sôi động tra tấn cả phố phường.
Ca hát và thưởng thức âm nhạc là một trong những nhu cầu giải trí chính đáng, nhưng nó phải tôn trọng hoạt động của cộng đồng, tuân thủ quy định pháp luật và phải nằm trong giới hạn hành xử văn hóa.
Chúng ta thấy gì? Trên đường phố, trong nhà, ngoài sân, những dàn loa kéo có mặt khắp nơi, từ miền ngược đến miền xuôi, từ đám cưới đến đám tang, thôi nôi, sinh nhật... Người ta ca hát theo phong trào và hát càng lớn càng thể hiện cái “tôi” của mình. Vì cả nể, ngại va chạm, nói ra lại sinh chuyện nên những người chung quanh đành nhắm mắt làm ngơ dù mất ăn mất ngủ. Một nhà có đám, cả xóm thức. Nên nhớ tiếng ồn dù ở ngưỡng cho phép, trong giờ quy định vẫn gây phiền toái đến người xung quanh. Thực tế cho thấy tiếng ồn tuy dễ nhận ra nhưng lại khó xử!
Không chỉ phục vụ nhu cầu giải trí, có người còn vận dụng tiềng ồn vào việc khủng bố, trấn áp tinh thần kẻ khác, đơn cử như sự việc vừa diễn ra ở Đạ M’ri (Lâm Đồng). Đài Truyền hình Việt Nam đã làm phóng sự ghi nhận một chiếc xe chở những thùng loa âm thanh công suất lớn, liên tục nhạc, gây áp lực lên tâm lý cho nhóm các sư cô ở nơi được cho là cơ sở phụ của chùa Dược Sư, gây xôn xao trong dư luận.
Ô nhiễm tiếng ồn và những hệ quả
Người ta đã phải chung sống với những tiếng ồn “không tránh được” như tiếng ồn từ xe cộ hay như xây dựng công trình... Có người cho rằng vì “công nghiệp hóa”, hầu hết các ngành công nghiệp sử dụng máy móc lớn có khả năng tạo ra một lượng lớn tiếng ồn. Ngoài ra, các thiết bị khác nhau như máy nén, máy phát điện, quạt hút, máy nghiền cũng tham gia tạo ra tiếng ồn lớn. Có lẽ bạn đã quen với cảnh công nhân trong các nhà máy và ngành công nghiệp này đeo nút tai để giảm thiểu ảnh hưởng của tiếng ồn. Tuy nhiên, ngay cả khi đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa như thế này, việc tiếp xúc nhiều với mức độ tiếng ồn cao có thể làm hỏng khả năng nghe của họ về lâu dài.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm tiếng ồn, còn được gọi là tiếng ồn môi trường hoặc ô nhiễm âm thanh, là sự lan truyền của tiếng ồn với các tác động khác nhau đến hoạt động sống của con người hoặc động vật, hầu hết chúng đều có hại ở một mức độ. Nguồn gây ra tiếng ồn ngoài trời trên toàn thế giới chủ yếu là do máy móc, phương tiện giao thông và hệ thống lan truyền. Quy hoạch đô thị kém có thể làm phát sinh ô nhiễm hoặc phân tán tiếng ồn, các tòa nhà công nghiệp và khu dân cư cạnh nhau có thể dẫn đến ô nhiễm tiếng ồn trong các khu dân cư. Một số nguồn ồn chính trong các khu dân cư bao gồm âm nhạc lớn, phương tiện giao thông (giao thông, đường sắt, máy bay, v.v…), bảo trì chăm sóc bãi cỏ, xây dựng, máy phát điện, tua-bin gió, tiếng nổ và con người.
Các vấn đề được ghi nhận liên quan đến tiếng ồn trong môi trường đô thị có từ thời La Mã cổ đại. Ngày nay, mức ồn trung bình 98 decibel (dB) vượt quá giá trị cho phép của WHO là 50 dB đối với các khu dân cư. Nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho thấy rằng ô nhiễm tiếng ồn là cao nhất trong các khu dân cư có thu nhập thấp và chủng tộc thiểu số, và ô nhiễm tiếng ồn liên quan đến máy phát điện gia đình là một suy thoái môi trường đang nổi lên ở nhiều quốc gia đang phát triển.
Nhưng những tiếng ồn của TP.HCM chúng ta lại từ những chiếc loa “bán kẹo” vì niềm vui và lợi ích của một nhóm người thiếu ý thức, gây ồn ào, mất ngủ cho người khác. “Cả một ngày làm việc mệt mỏi, tối là thời gian cả nhà nghỉ ngơi nhưng tiếng nhạc cứ vọng vào khiến các thành viên trong gia đình không khỏi khó chịu, con cái học hành cũng không được. Mỗi lúc như vậy gia đình tôi phải đóng hết cửa nhưng không ăn thua, vẫn bị ảnh hưởng. Hơn nữa, nhiều lần họ tổ chức hát thường kéo dài nhiều giờ đồng hồ, không ít hôm kéo dài đến đêm muộn, khiến gia đình tôi cũng bị mất ngủ, cuộc sống bị đảo lộn hết cả lên. Ngày hôm sau chúng tôi dậy đi làm, con cái đi học cũng bị mệt mỏi”, anh Vĩnh, một công dân thành phố phản ánh.
Cũng rơi vào tình cảnh thường xuyên bị làm phiền bởi tiếng ồn như gia đình anh Vĩnh, chị N.T.H.H (TP.Thủ Đức) cho biết, nhà chị nằm gần một địa điểm kinh doanh Beer Club, nên hầu như ngày nào cũng chịu ảnh hưởng bởi tiếng ồn. “Dù đã có nhiều lần phản ánh đến cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm, khi có cơ quan chức năng đến thì họ giảm tiếng nhạc, nhưng cứ lực lượng chức năng đi thì đâu lại vào đấy”, chị H. than phiền.
Chúng ta cần làm gì?
Theo y học, ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề về thính giác. Bất kỳ âm thanh không mong muốn nào mà tai của chúng ta không được chuẩn bị để lọc đều có thể gây ra các vấn đề trong cơ thể cũng như các vấn đề tâm lý, thể chất, nhận thức và thay đổi hành vi, rối loạn giấc ngủ, bệnh tim mạch, rắc rối khi giao tiếp…
Một nếp sống mới là khi mọi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hay hành vi cá nhân phải trên cơ sở không được gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác (trong đó có lợi ích từ việc không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn) mới thực sự là văn minh và cần được khích lệ.
Chúng ta cần nêu lên tiếng nói để các cấp chính quyền phải mạnh tay hơn khi xử lý.
Một số trường hợp, chính quyền không xử lý được vì thiếu thiết bị đo tiếng ồn (!?). Ở Vũng Tàu đã có thông báo cấm sử dụng loa kéo tại một bãi tắm. Trước đó, trong tháng 3-2021, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã ký văn bản khẩn gửi thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đoàn thể, UBND TP.Thủ Đức cùng các quận, huyện về các biện pháp xử lý hành vi vi phạm tiếng ồn trên địa bàn.
Theo đó, UBND TP.HCM chia đợt xử lý vi phạm tiếng ồn thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ 25-3 đến 30-6, toàn TP tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhắc nhở các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể và người dân đăng ký cam kết thực hiện nghiêm quy định pháp luật về tiếng ồn. Giai đoạn 2, TP sẽ thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm về tiếng ồn bắt đầu từ ngày 30-6. Trong đợt cao điểm xử lý vi phạm tiếng ồn, chính quyền các cấp cùng sở, ngành liên quan sẽ thành lập các tổ công tác liên ngành nhằm xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất theo lĩnh vực phụ trách.
Theo Điều 6 Nghị định 167, hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng từ 22g hôm trước đến 6g hôm sau bị phạt tiền 100.000 - 300.000 đồng.
Có ý kiến cho rằng chính quyền thành phố cần mạnh tay, ra quân đồng bộ từ các cấp để có thể xử lý dứt điểm nạn ô nhiễm tiếng ồn và cần nâng mức xử phạt lên để có tính răn đe, xây dựng chế tài xử lý nghiêm đối với những trường hợp tái vi phạm.
UBND xã, phường, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về tiếng ồn và xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến tiếng ồn sâu rộng đến từng người dân, cộng đồng dân cư; tăng cường rà soát, kiểm tra các khu vực thường xuyên có tiếng ồn bị phản ánh để kịp thời xử lý khi có tình huống phát sinh...
Xin đừng làm nửa vời
Có bài báo nêu quan điểm “Lần này với quyết tâm của người đứng đầu chính quyền TP, cùng với những quy định, công cụ pháp luật không thiếu, hy vọng vấn nạn này sẽ sớm được xử lý triệt để. Quan trọng chúng ta có thực sự muốn và quyết tâm làm hay không”.
Cơ quan chính quyền cần mạnh tay hơn với các cơ sở kinh doanh karaoke không đủ điều kiện về cách âm, những nơi gây ồn quá giờ quy định. Với các cửa hiệu hay quán ăn, theo tôi, có thể nghiên cứu cấm hẳn việc mở loa, mở nhạc ồn ào ra bên ngoài.
Đây không phải là hát giải trí mà là ý thức hành xử văn hóa trong cộng đồng. Ý thức kém thì phải có chế tài nâng dần ý thức cộng đồng để chung sống văn minh.
Cần quản lý và xử lý nghiêm việc gây tiếng ồn bằng thiết bị đo âm lượng và kiểm tra giờ giấc hoạt động.
Chúng ta muốn sống trong chánh niệm, sống trong một thế giới an lạc, nhìn ngắm trái đất này mỗi sáng nghe tiếng reo vui trẻ thơ, tiếng chim hót trên cành, nhìn ngắm những bông hoa nở ra trong tĩnh lặng dịu dàng của đất trời, cảm ơn tất cả những món quà của tạo hóa, thì hơn bao giờ hết phải chấm dứt những âm thanh khuấy động ấy, đúng hơn là mọi loại tiếng ồn, đang gây ô nhiễm, vẩn đục bầu khí quyển quanh ta.
Mong sao bằng mọi phương cách, tệ nạn này sớm trở thành quá khứ, đánh dấu một bước tiến trên nấc thang văn minh của người dân thành phố và cả nước nói chung.