Bhutan bỏ án phạt tử hình dựa vào các giá trị Phật giáo

  1. Tin Tức
  2. cách đây 1 năm
  3. 36 lượt xem
  4. Nguồn: www.phatgiao.org.vn
1  2  3  4  5
0/5 - 0 Bình chọn - 36 Lượt xem

Tại Bhutan, sau một thời gian dài đình chỉ hình phạt xử tử, cuối cùng thì nó cũng đã bị bãi bỏ bởi sắc lệnh hoàng gia vào ngày 20 tháng 3 năm 2004 và bị cấm bởi Hiến pháp nước này vào tháng 7 năm 2008.

Audio

Nhân việc Toà án TP Hồ Chí Minh tuyên án tử hình đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang, chúng tôi đăng lại bài viết này như cung cấp một cách tiếp cận về án tử hình trong hoạt động tư pháp. Mời quý Đạo hữu đọc thêm bài viết năm 2019 của Ni sư Thích Nữ Giới Hương: Quan điểm Phật giáo về án phạt tử hình.

...................

Khi tìm hiểu cách thức mà các quốc gia khác nhìn nhận về án tử hình thì cách tiếp cận và xây dựng pháp chế của Bhutan đối với vấn đề này được quan tâm một cách đặc biệt.

Tại Bhutan, sau một thời gian dài đình chỉ hình phạt xử tử cùng rất nhiều tranh luận tại Quốc hội, cuối cùng thì nó cũng đã bị bãi bỏ bởi sắc lệnh hoàng gia vào ngày 20 tháng 3 năm 2004 và bị cấm bởi Hiến pháp nước này vào tháng 7 năm 2008. Hiển nhiên, hành động này tuân thủ các giá trị tâm linh Phật giáo.

Ở quốc gia này, Phật tử chiếm 75 % dân số Bhutan. Điều 3 về Di sản tâm linh của Hiến pháp nước này quy định: “Phật giáo là di sản tâm linh của Bhutan – loại hình tôn giáo thúc đẩy các nguyên tắc và giá trị của hòa bình, phi bạo lực, từ bi và khoan dung”.

Hiến pháp Bhutan cũng nêu rõ: “Các tổ chức và cá nhân có trách nhiệm phát triển di sản tâm linh của đất nước, đồng thời đảm bảo rằng tôn giáo này được tách biệt với chính trị tại Bhutan. Các tổ chức, cá nhân tôn giáo phải đứng trên chính trị”. Mục Trách nhiệm cơ bản, Điều 8 chỉ ra: “Công dân Bhutan phải nêu cao khoan dung, tôn trọng lẫn nhau và tinh thần đoàn kết hữu nghị giữa tất thảy người dân Bhutan bất kể sự đa dạng tôn giáo, ngôn ngữ, vùng miền”.

Dù lần cuối cùng án tử hình được thực thi ở Bhutan là vào năm 1964 nhưng hình phạt này vẫn tồn tại trong luật vựng (sách ghi lại tất cả các đạo luật đã ban hành của một chính phủ – người dịch chú thích). Thú vị ở chỗ, năm 1998, một số tòa án đã kết án chung thân với nhiều người, bất chấp những kêu gọi trong Quốc hội về việc án tử hình nên được thực thi trong những trường hợp như vậy. Nền tư pháp đã bị chỉ trích nặng nề vào thời điểm đó. Khi giải thích về án chung thân, một quan chức ngành tư pháp đã nhấn mạnh rằng “luật pháp tồn tại không chỉ để thực thi các hình phạt. Mục đích của tư pháp là tu sửa và phục hồi cho những cá nhân phạm tội như phương cách để phát triển con người và xã hội”. Có vẻ như ngành tư pháp Bhutan có cái nhìn giác ngộ hơn về vai trò của họ so với các nhà lập pháp trước đây.

Hình phạt xử tử cuối cùng đã được bãi bỏ vào năm 2004. Việc bãi bỏ đã được chứng thực bằng Hiến pháp vào năm 2008 và động thái này rõ ràng dựa trên các giá trị của Phật giáo. Hiến pháp mới quy định rằng: “Nhà nước sẽ nỗ lực tạo ra các điều kiện cho phép phát triển một xã hội tốt đẹp và từ bi một cách thực sự và bền vững bắt nguồn từ đạo đức Phật giáo và các giá trị nhân văn phổ quát” (Hiến pháp năm 2008, Nguyên tắc chính sách nhà nước, Điều 9).

Có lẽ chúng ta sẽ học hỏi được điều gì đó từ vấn đề này của Bhutan đối với vai trò chủ động của Phật giáo.

> Tử hình Nguyễn Võ Quỳnh Trang nhớ chuyện “ác quỷ” Angulimāla trong Kinh Phật

(Nguồn tư liệu từ Daily Mail).

Nguồn: www.phatgiao.org.vn

Tin liên quan