Thượng tọa Thích Đức Thiện trả lời phỏng vấn nhân dịp năm mới Nhâm Dần - 2022

  1. Tin Tức
  2. cách đây 3 năm
  3. 80 lượt xem
  4. Nguồn: www.giacngo.vn
1  2  3  4  5
0/5 - 0 Bình chọn - 80 Lượt xem

GNO - Thượng tọa Thích Đức Thiện là một vị giáo phẩm lãnh đạo Trung ương Giáo hội, so với hiện tại, được xem là người trẻ khi được suy cử đảm nhiệm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN khi tuổi mới ngoài 50...

Ngay giữa lúc TP.HCM đang trong cao điểm của đợt bùng phát đại dịch Covid-19 lần thứ 4, cũng là đợt bùng phát khốc liệt nhất ở nước ta tính cho tới nay, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự đã có mặt cùng với đại diện Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, tỉnh Long An đi thăm một số bếp ăn của Phật giáo phục vụ cho lực lượng tuyến đầu và các bệnh viện dã chiến, trung tâm điều trị người bệnh Covid-19.

thuong toa thich duc thien tra loi phong van nhan dip nam moi nham dan   2022

“Lịch sử Việt Nam luôn ghi nhận những đóng góp to lớn của Đạo Phật đối với Dân tộc. Hơn hai nghìn năm hiện diện trên đất nước Việt Nam, qua những thăng trầm cùng lịch sử, Phật giáo đã sớm hòa nhập vào đời sống xã hội, hòa đồng với cuộc sống, sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân và trở thành một tôn giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc Việt Nam. Trải qua chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay, dựa trên nền tảng giáo lý mang tính nhân văn sâu sắc của tư tưởng từ bi, hỷ xả, “lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha”; lấy phương châm “Phật pháp bất ly thế gian giác”, “hộ quốc, an dân” cho đường hướng hành đạo, Phật giáo luôn luôn là thành viên tin cậy, có nhiều đóng góp quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp tích cực trên tất cả các mặt hoạt động kinh tế - xã hội, chung sức, chung lòng cùng toàn dân xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, cuộc sống yên vui”.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc(trích phát biểu tại Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN

* Thưa Thượng tọa, năm qua không chỉ là giai đoạn khó khăn đối với đất nước, mà cả GHPGVN cũng có nhiều sự kiện, cả sự mất mát lớn, đặc biệt về sự viên tịch của Đức Đệ tam Pháp chủ - Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ…

- Đúng vậy. Mất mát lớn nhất đối với GHPGVN là sự viên tịch của Đức Đệ tam Pháp chủ. Tuy nhiên, những di huấn và chính đời sống phạm hạnh qua 105 năm trụ thế, gần 100 năm tu hành của Ngài là tấm gương sáng cho Tăng Ni, Phật tử noi theo cho giai đoạn khó khăn chung. Từ đó, tiếp tục phát huy nội lực của tâm từ bi và trí tuệ, trong trách nhiệm chung trang nghiêm Giáo hội, góp phần xây dựng quê hương đất nước ổn định, phát triển và hội nhập, đặc biệt là bằng chất liệu tu tập, tham dự và hiến tặng cho đời với những gì đặc trưng Phật giáo trong truyền thống gắn bó lâu đời với dân tộc.

Một sự kiện khác cũng mang dấu ấn quan trọng đối với Giáo hội, đó là lần đầu tiên từ khi GHPGVN được thành lập (1981) cho tới nay, chư tôn Trưởng lão Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh đã triệu tập các phiên họp để thực hiện các trách nhiệm thiêng liêng theo Hiến chương, thảo luận và thông qua Quy chế hoạt động của Ban Thường trực, thành lập Hội đồng Giám luật thuộc Hội đồng Chứng minh, đề cử Quyền Pháp chủ GHPGVN… Thật xúc động khi được chứng kiến cảnh chư tôn Trưởng lão các hệ phái nhóm họp trong tinh thần đoàn kết, thảo luận trong niệm hoan hỷ và thống nhất, vì sự ổn định và phát triển của Giáo hội.

Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN - một sự kiện đã được chuẩn bị kỹ lưỡng cả năm trước, nhưng do tình hình đại dịch bùng phát, phải chuyển đổi hình thức tổ chức trực tuyến. Điều đáng ghi nhớ là lần đầu tiên trong sự kiện kỷ niệm thành lập GHPGVN, đích thân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự, trao Huân chương Độc lập hạng Nhất và có bài phát biểu quan trọng khẳng định vai trò lịch sử của Phật giáo đối với dân tộc cũng như gợi ý hướng phát triển mang tính kế thừa cho giai đoạn tiếp theo, thể hiện trong tầm nhìn và và định hướng phát triển GHPGVN gồm 8 điểm mà Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã trình nhân Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập vào ngày 7-11-2021.

thuong toa thich duc thien tra loi phong van nhan dip nam moi nham dan   2022

* Là một vị giáo phẩm lãnh đạo Trung ương Giáo hội, so với hiện tại, được xem là người trẻ khi được suy cử đảm nhiệm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự ở độ tuổi mới ngoài 50, Thượng tọa có trăn trở nào để chia sẻ trong tuổi mới nhân mùa xuân Nhâm Dần - 2022 này?

- Trong đời sống, tôi ngẫm rằng mọi sự đều là nhân duyên. Trước đây, khi xuất gia và sau đó được cơ duyên du học tại Đài Loan, Ấn Độ và Hoa Kỳ, tôi chỉ mong trở thành người nghiên cứu, trước hết thỏa mãn nhu cầu nhận thức của tự thân về Phật giáo và Phật giáo Việt Nam. Nhưng do duyên, được chư tôn Trưởng lão, quý Hòa thượng lãnh đạo chỉ định tham gia một số Phật sự, rồi giao một số công việc, suy cử Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, dù vậy, tôi vẫn cảm thấy mình nhỏ bé trong đại gia đình tâm linh là Giáo hội, luôn tâm niệm cố gắng hết sức để phụng sự.

Điều tôi thấy thật may mắn là trong tất cả các Phật sự luôn có sự hiện diện trực tiếp hoặc gián tiếp của chư tôn Trưởng lão, các bậc giáo phẩm của các truyền thống, hệ phái trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam. Ở góc độ tôn giáo, đặc biệt là đối với đạo Phật, sự hiện diện của các bậc đạo cao đức trọng, giới phẩm tinh nghiêm chính là sự bảo hộ tâm linh cho chúng tôi làm việc một cách yên tâm và mạnh mẽ. Bởi nói cho cùng, chất lượng cho các chương trình, hoạt động của Giáo hội góp cho đời chính là chất tu, là năng lượng của tâm từ bi không phân biệt và tầm nhìn trí tuệ vô quải ngại. Đó cũng là điều mà chúng ta thấy được qua đại dịch Covid-19, thể hiện một cách sinh động trong và sau đợt bùng phát khốc liệt nhất không chỉ cho TP.HCM mà ảnh hưởng lên cả nước, và chính trong hoàn cảnh thực tại đó, chúng ta thấy rõ nhất sức mạnh của tình thương yêu, đùm bọc lẫn nhau thật cảm động của người Việt. Đó cũng chính là sức mạnh lớn để Việt Nam vươn lên mỗi khi gặp hoàn cảnh khó khăn và trở nên hùng cường.

Chân thành cảm ơn Thượng tọa đã chia sẻ.

Nguồn: www.giacngo.vn

Tin liên quan