Tọa đàm về văn hóa Phật đản tại chùa Long Phước
- Tin Tức
- cách đây 6 tháng
- 38 lượt xem
- Nguồn: www.phatgiao.org.vn
Nhân mùa Phật đản Phật lịch 2568 (Dương lịch 2024), chư Ni Phân ban Ni giới trung ương đã tổ chức tọa đàm về “văn hóa Phật đản”, cùng chia sẻ ý nghĩa của việc mộc dục (tắm Phật), với những triết lý sâu sắc.
- Một số chùa tại tỉnh Thái Bình tổ chức lễ Vu lan
- Phân ban Ni giới T.Ư họp, triển khai Phật sự
- Chùa Bồ Đề Lan Nhã với khóa tu “Một ngày an lạc”
- Lễ Vu lan, dâng y tại Pháp viện Minh Đăng Quang
- Tây Ninh: Khánh thành tịnh xá Ngọc Thạnh
Audio
Tọa đàm diễn ra sáng 19/5, tại hội trường chùa Long Phước (quận Bình Thạnh, TP.HCM), với sự tham gia chia sẻ của Ni trưởng Thích nữ Như Dung - Phó Phân ban kiêm trưởng tiểu ban Nghi lễ Phân ban Ni giới trung ương; Ni sư Thích nữ Huệ Dâng - Phó Phân ban kiêm trưởng tiểu ban Hướng dẫn Phật tử Phân ban Ni giới trung ương; Ni sư Thích nữ Lệ Thuận - Phó Phân ban kiêm trưởng tiểu ban Văn hóa Phân ban Ni giới trung ương; Ni sư Thích nữ Như Ngọc - Ủy viên Phân ban Ni giới trung ương, giảng viên Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM.
Ni sư Huệ Dâng chia sẻ, toạ đàm mong muốn mang lại sự hiểu biết đúng về sự kiện Đản sanh của Đức Phật. Hơn 100 Phật tử, thiện tín mến mộ đạo Phật có mặt đã được nghe về ý nghĩa tắm Phật, văn hóa Phật đản.
Theo đó, Ni sư Thích nữ Lệ Thuận nói: “Hình ảnh Đức Phật sơ sinh được hân hoan chào đón khiến tôi nghĩ đến việc đón những đứa trẻ trong đời sống thực tại. Nếu người thân của trẻ chăm sóc trẻ như cách chăm sóc một vị Phật tương lai thì chắc chắn trẻ sẽ lớn lên đầy yêu thương, giàu sự tử tế”.
Ni sư cho biết, khi tắm Phật, sẽ dùng ba gáo dội lên kim thân Ngài, gáo thứ nhất nguyện đoạn ác, gáo hai nguyện làm lành, gáo ba nguyện độ hết chúng sinh. “Đây cũng điều mà mỗi người cần nguyện cho mình cũng như trong giáo dục trẻ. Con người sẽ trở nên tốt đẹp khi biết làm lành, lánh dữ, biết làm chủ bản tâm mình, chuyển hóa xấu ác - tâm phàm phu của mình”, Ni sư Huệ Thuận nói.
Tiếp lời, Ni trưởng Như Dung nhắc lại hình tượng rồng phun nước tắm Phật khi Ngài đản sinh. Theo Ni trưởng, đó là hai dòng nước nóng lạnh, tượng trưng cho thuận nghịch của cuộc đời. Đức Phật sống giữa cuộc đời thuận nghịch, Ngài biết biến thuận nghịch thành chất liệu của giải thoát, giác ngộ. Do vậy Ni trưởng nhắn nhủ: “Quý vị đừng sợ nghịch cảnh cũng đừng dính mắc vào thuận cảnh, hãy xem thuận nghịch là bình thường trong đời”.
Vị Ni Phó Phân ban Ni giới trung ương lấy ví dụ, như trái chanh chua (nghịch), nếu ta biết dùng đường, đá để chế biến thì sẽ thành ly nước chanh đá mát lành. “Hãy dùng thuận nghịch, chế biến nó thành bình an trong ta, đó chính là cách thực tập lời Phật dạy, sống ý nghĩa của hai dòng nước nóng lạnh tắm Đức Phật đản sinh” - Ni trưởng Như Dung nói.
Còn Ni sư Như Ngọc chia sẻ, đạo Phật là đạo giáo dục, hướng dẫn con người sống thiện, biết đoạn ác, làm lành. “Thiện trong nhà Phật chính là lợi mình, lợi người, ở hiện tại và cả tương lai”.
Ni sư cho rằng, kiếp người ngắn ngủi, vô thường, cần phải biết dùng thân này để làm việc thiện, nuôi dưỡng trí tuệ, mời Phật đản sinh trong đất tâm mình, soi đường cho mình đi thong dong, có đóng góp cho cuộc đời.
Ni sư Huệ Dâng dịp này đã hướng dẫn mọi người thực tập ý thức hơi thở, rải tâm từ của mình quét đến từng phần trên cơ thể, từ đầu, tai, mắt đến các thớ cơ, lục phủ ngũ tạng…
Theo Ni sư Huệ Dâng, từ bi là một từ khóa quan trọng mà Đức Phật gửi đến mỗi người. “Là người con Phật phải mang theo hành trang thương yêu, hiểu biết, vững tiến trong cuộc đời”.
Vị Ni trưởng tiểu ban Hướng dẫn Phật tử thuộc Phân ban Ni giới trung ương cho rằng, Đức Phật sinh ra trên cuộc đời không ngoài mục đích giúp chúng sinh thấy Phật, tu học để thành Phật. Nhưng trước khi thành Phật thì học Phật là để trở thành người tốt.
“Cho nên, việc thực tập bao dung, cảm thông và tha thứ, hay nói khác hơn là luôn đặt vị trí của mình vào người để cùng hiểu và cùng thương chính là điều quan trọng nhất”, Ni sư Huệ Dâng nhắn nhủ.
Đúc kết, Ni sư nhắc nhở, Đức Phật đản sinh 26 thế kỷ qua, lời dạy của Ngài vẫn còn mang giá trị giúp cho nhân loại giải quyết nỗi khổ niềm đau. Mùa Phật đản chính là dịp để ôn nhắc và thực hành lời dạy của Ngài để kiến tạo hòa bình, hạnh phúc tự thân và cho nhân thế.
Một số hình ảnh do Sư cô Trung Thắng ghi nhận tại tọa đàm:
Vesak - lễ hội văn hóa của nhân loại
Lễ Tam hợp mà Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak (lễ Phật Đản sinh, Phật thành đạo và Phật nhập Niết bàn) được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc công nhận là lễ hội văn hóa của nhân loại từ năm 1999.
Ngày Phật đản là một trong ba ngày lễ lớn trong năm của Phật giáo (gồm Phật đản, Vu lan, Thành đạo). Trước năm 1959, các nước Đông Á thường tổ chức ngày lễ Phật đản vào ngày 8/4 âm lịch. Nhưng tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên, tại Colombo (Sri Lanka) được tổ chức từ 25/5 đến 8/6/1950, 26 nước là thành viên thống nhất lấy ngày Phật đản quốc tế là ngày rằm tháng tư âm lịch hàng năm (15/4).
Theo VietNamNet
Tin liên quan
-
Nguyên Chủ tịch nước và Tổng lãnh sự Ấn Độ viếng chùa Pháp Minh
-
Bí ẩn về ngôi chùa gỗ cao nhất thế giới
-
Công bố Giải báo chí toàn quốc về Phật giáo năm 2024
-
Về ngôi bảo tháp tôn trí Xá lợi răng Phật ở Trung Quốc
-
Lý do chùa Ba Vàng tạm hoãn tổ chức Khóa tu mùa hè năm 2024?
-
Tuyên Quang: Lễ tác pháp An cư kiết hạ PL.2568 tại chùa An Vinh