Bồ-tát từ quả hướng nhân: Dược Vương Bồ-tát
- Tin Tức
- cách đây 3 năm
- 326 lượt xem
- Nguồn: www.giacngo.vn
GN - Bồ-tát từ quả hướng nhân đã hoàn thành 52 lộ trình tu tập của Bồ-tát và đạt đến quả vị Diệu giác có đầy đủ điều kiện làm Phật và từ vị trí này, các ngài trở lại Ta-bà để cứu độ chúng sanh.
- Phân ban Ni giới T.Ư họp, triển khai Phật sự
- Lễ Vu lan, dâng y tại Pháp viện Minh Đăng Quang
- [TOÀN CẢNH] Di quan Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang trà-tỳ
- Chùa Thanh Hà cứu trợ khẩn cấp người dân vùng bão
- TT-Huế: Lễ nhập kim quan Đại lão HT.Thích Trí Quang
Kinh Pháp hoa, phẩm Pháp sư thứ 10 nói rằng người thọ trì được kinh Pháp hoa là đã thành Vô thượng Chánh đẳng giác vì thương nhân gian mà sanh lại. Nếu ai xúc phạm họ, tội còn nặng hơn hủy báng Tam bảo.
Nếu đọc đoạn kinh này và hiểu theo phàm phu mà nghĩ rằng mình tụng kinh Pháp hoa là trở thành hành giả Pháp hoa. Ai khi dể mình thì tội nặng hơn phỉ báng Phật. Không ít người phạm sai lầm này.
Thực tế là 50 năm trước, có thầy nói với tôi rằng ông đã tụng 500 bộ kinh Pháp hoa, ai động tới ông coi chừng mất mạng. Tôi nói sao mặt thầy chưa có chữ nào Pháp hoa. Ông liền nổi giận đáp trả là coi chừng thầy chết đó. Nếu chấp hình tướng thì ông có tụng 500 quyển kinh Pháp hoa, nhưng xứng tánh nhìn thì chưa được chữ nào của Pháp hoa, vì tham sân si hiện rõ trên mặt.
Kinh Pháp hoa khẳng định rằng Bồ-tát đã thành Phật vì thương nhân gian mà sanh lại cuộc đời này. Phải tự xét lại ta có phải là Phật, là Bồ-tát đã thành Phật rồi sanh lại hay không. Thực tế là ta chỉ có tâm tùy hỷ với kinh, với Bồ-tát đã được công đức rồi.
Nói về Bồ-tát từ quả hướng nhân gợi tôi nhớ đến Tổ Thiên Thai ngộ được pháp hành của Bồ-tát đã thành Vô thượng Chánh đẳng giác của kinh Pháp hoa. Ngài mới dạy các vị thầy thuộc lớp lớn xưa kia rằng các thầy không cần tụng hết bộ kinh Pháp hoa, chỉ cần tụng quyển thứ 7 của bộ kinh này thôi. Ngày trước, Hòa thượng Huê Nghiêm cũng nhắc lại lời Tổ và dạy tôi điều này. Tại sao Tổ lại dạy như vậy.
Tôi suy nghĩ quyển thứ 7 có điều gì mà Tổ và Phật muốn dạy chúng ta. Theo tôi, quyển thứ 7 kinh Pháp hoa giới thiệu các mẫu Bồ-tát để chúng ta suy nghĩ làm theo, đó là bốn vị Đại Bồ-tát: Dược Vương, Diệu Âm, Quan Âm và Phổ Hiền tiêu biểu cho Bồ-tát từ quả hướng nhân đã thành tựu quả vị Phật mà hiện thân lại làm Bồ-tát để cứu nhân độ thế. Vì vậy, Phật hiện hữu ở hai dạng, ở dạng tu chứng thì Phật sống ở Niết-bàn, không còn sinh tử và ở dạng thứ hai là Bồ-tát hiện thân lại nhân gian. Vì vậy, ta thường nói rằng Bồ-tát nghĩa là người thương nhân gian mà sanh lại cuộc đời cứu giúp mọi người.

Nhận thức được hạnh Bồ-tát phát xuất từ tình thương và học theo hạnh Bồ-tát, chúng ta cũng giúp người bằng tình thương. Tuy chưa làm được như các ngài, chúng ta cũng hy sinh quyền lợi cá nhân, thấy người khổ, chúng ta giúp cho họ bớt khổ. Nếu làm để được lợi ích gì cho mình là rớt vô tham vọng.
Người làm còn tham vọng là Bồ-tát mới phát tâm, hay Bồ-tát còn thoái chuyển, khi vui họ làm, buồn thì bỏ, thương thì làm, ghét thì bỏ. Tôi thấy nhiều người phạm sai lầm này, giúp người để sau mình có thể nhờ vả là có hậu ý phát xuất từ lòng tham, không phải Bồ-tát.
Bồ-tát hoàn toàn vô tâm, cần giúp thì giúp, giúp xong rồi thôi, gặp lại họ, chúng ta cũng quên việc mình đã giúp đỡ. Nếu họ tự nhớ ơn và tìm đến hợp tác thì chúng ta có thêm bạn tốt để hành Bồ-tát đạo.
Khởi đầu, Phật giới thiệu Bồ-tát Dược Vương là người có khả năng chữa lành thân bệnh và tâm bệnh của chúng sanh. Thân bệnh là nghiệp của thân. Tâm bệnh là nghiệp của tâm từ quá khứ dẫn đến hiện tại. Người tin thầy thuốc chữa được là bệnh đã chữa được 50%, 50% còn lại chữa bằng thuốc.
Thực tế như vua A Xà Thế giết vua cha để lên ngôi vua. Việc ác này khiến ông có mặc cảm tội lỗi trở thành bệnh nặng, đó là tâm bệnh làm ông mất ăn, mất ngủ và nằm mơ thấy toàn việc ác khiến cơ thể ông bị suy nhược nặng. Kỳ Bà đưa ông tới Phật. Phật đã chữa tâm bệnh cho A Xà Thế bằng cách khuyên ông sám hối tội lỗi.
Sau khi chí thành sám hối, ông nói với Phật rằng xin Phật thương con như Ngài đã từng thương phụ hoàng và mẫu hậu của con. Chính lòng ông tha thiết sám hối, Phật mới nói phụ hoàng và mẫu hậu đã tha thứ cho ông rồi. Vì hai người này là đệ tử Phật và nương pháp Phật, họ được giải thoát, nên Phật biết rõ họ đã thương ông và tha thứ cho ông. Nghe Phật nói vậy, ông đã nhẹ lòng là Phật đã chữa được 50% tâm bệnh và còn 50% thân bệnh của ông do Kỳ Bà chữa.
Chúng ta tụng phẩm Dược Vương Bồ-tát tìm hiểu xem Dược Vương đã làm gì mà có được khả năng chữa lành tâm bệnh và thân bệnh của chúng sanh để chúng ta làm theo Ngài. Nếu chỉ tụng kinh suông cũng có chút kết quả nhờ niềm tin với kinh Pháp hoa, nhưng nhiều khi không được kết quả thì lại bỏ cuộc.
Phật nói Bồ-tát Dược Vương chữa lành được thân bệnh và tâm bệnh cho mọi người, vì từ thời Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức, Ngài đã là thượng thủ trong chúng và Ngài có việc làm đặc biệt mà chúng ta cần suy nghĩ, học và làm theo.
Muốn làm được việc, các thầy phải có ba điều. Trước nhất, muốn cứu người phải hiểu người mà kinh nói là Dược Vương đắc được Giải nhứt thiết chúng sanh ngữ ngôn đà-la-ni, nghĩa là hiểu họ muốn gì, làm được gì, nói xa là phải hiểu nghiệp duyên của họ từ quá khứ thì Bồ-tát mới giúp họ làm được nhiều việc. Thật vậy, sở dĩ ta làm việc cứu người, tốn của tốn công mà chỉ chuốc lấy phiền não cho mình, vì ta không hiểu nên đã giúp người không nên giúp.
Ta cũng nhận thấy ý Phật dạy như vậy, nếu ta nhìn lại một đời du hóa của Phật, trong 49 năm thuyết pháp, Phật độ người nào là Ngài đã hiểu rõ nhân duyên của Ngài với họ từ kiếp quá khứ như thế nào và Ngài cũng hiểu rõ năng lực của họ. Như tôi đã nói Phật biết rõ Vô Não buông dao là đắc đạo nên Ngài quyết tâm độ ông đắc quả La-hán. Nhưng duy nhất Phật chỉ độ một sát nhân Vô Não đắc Thánh quả, vì Phật hiểu rằng độ những người ác khác chỉ phí công vô ích.
Còn ta không hiểu mà tội nghiệp cứu giúp người là ta đem giặc vào nhà. Thực tế là thầy Thiện Minh thấy anh nghiện hiền lành cho cạo đầu xuất gia, nhưng khi anh này lên cơn đã chém người trong chùa, đó là độ người mà không hiểu người.
Vì vậy, hành Bồ-tát đạo phải hiểu người là Giải nhứt thiết chúng sanh ngữ ngôn đà-la-ni, chúng sanh nghĩ gì thì mình đáp ứng được yêu cầu của họ và mình nói những gì mà họ hiểu và chấp nhận được thì mới nói, còn nói mà họ không chấp nhận là phản tác dụng. Đó là việc mà Bồ-tát từ quả hướng nhân mới làm được.
Bồ-tát từ nhân hướng quả chỉ là quyến thuộc của Bồ-tát thì Bồ-tát sai ta làm gì ta cứ y lời dạy mà làm theo. Vì vậy, phải có Phật, Bồ-tát lớn để ta nương theo mới làm được. Thể hiện lý này, trong kinh Pháp hoa khi Phật thọ ký cho hàng La-hán, các vị này đã phát nguyện rằng chỗ nào có Phật thì các Ngài mới đến hành Bồ-tát đạo, cứu nhân độ thế. Các Ngài không dám tự ý làm, vì không hiểu hết chúng sanh, nên phải nương theo Phật lực, Bồ-tát lực để làm.

Bồ-tát từ quả hướng nhân có năng lực siêu tuyệt rồi, nhưng thường tu hạnh nội bí ngoại hiện nghĩa là bên trong đã là Phật mà bên ngoài hiện tướng phàm phu làm được tất cả việc khó. Nói cách khác, Bồ-tát rất giỏi nhưng giấu tài, không khoe khoang, khi ở trong hoàn cảnh khó khổ thì các Ngài mới sử dụng tài, càng làm cho người thương kính hơn.
Ngoài tên Giải nhứt thiết chúng sanh ngữ ngôn, Dược Vương Bồ-tát còn có tên Hiện nhứt thiết sắc thân tam muội, nghĩa là Ngài nhập được định này, tất cả khả năng và hiểu biết của Ngài từ định này mà lưu xuất. Vì vậy, hiểu biết của Dược Vương không theo sách vở, kinh nghiệm nhưng bằng trực giác. Những gì không cần thì Ngài không biết, những gì cần Ngài đều biết rõ. Đây là việc quan trọng của người tu. Người biết đủ thứ, nói rất nhiều nhưng không làm được việc nào cả. Dược Vương ngược lại, Ngài không nói những điều không cần, chỉ nói những gì đem đến lợi ích cho mọi người.
Dược Vương được Nhứt thiết sắc thân tam muội nên hành đạo ở nơi nào, Ngài đều có những việc làm tốt đẹp tương ưng. Ngài không nói nhưng việc nào cần làm, Ngài đều thể hiện xuất sắc. Tôi học hạnh Dược Vương, áp dụng châm ngôn là giờ nào việc đó, không vướng mắc với việc đã làm. Còn cố chấp phải làm y khuôn như trước thường bị hỏng việc.
Tóm lại, Dược Vương là Bồ-tát từ quả hướng nhân, tài trí và phước đức đã viên mãn như Phật, nhưng bên ngoài hiện tướng phàm phu, nên việc hành đạo của Ngài ở cuộc đời này hoàn toàn an nhiên tự tại mà gặt hái được công đức vô lượng.
Tin liên quan
-
Nguyên Chủ tịch nước và Tổng lãnh sự Ấn Độ viếng chùa Pháp Minh
-
Bí ẩn về ngôi chùa gỗ cao nhất thế giới
-
Công bố Giải báo chí toàn quốc về Phật giáo năm 2024
-
Về ngôi bảo tháp tôn trí Xá lợi răng Phật ở Trung Quốc
-
Lý do chùa Ba Vàng tạm hoãn tổ chức Khóa tu mùa hè năm 2024?
-
Tuyên Quang: Lễ tác pháp An cư kiết hạ PL.2568 tại chùa An Vinh