Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ qua đời ở tuổi 74
- Tin Tức
- cách đây 2 năm
- 61 lượt xem
- Nguồn: www.phatgiao.org.vn
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ - tác giả bài ”Khoảng trời, hố bom” qua đời ở tuổi 74 tại nhà riêng, sau thời gian mắc bệnh Alzheimer.
- Khánh Hòa: Lễ Tự tứ tại tổ đình Nghĩa Phương
- TP.HCM: Lễ cầu nguyện dựng Tam quan chùa Phật Cô Đơn
- Khánh Hòa: Ni giới thị xã Ninh Hòa tạ pháp An cư
- Tây Ninh: Khánh thành tịnh xá Ngọc Thạnh
- Quận 3 tổng kết và phát thưởng hội thi giáo lý
Hoàng Dạ Thư - con gái cả nhà thơ - cho biết những năm gần đây, bà sống cùng gia đình cô ở TP HCM. Bà mắc bệnh alzheimer nên không còn minh mẫn.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm 1949 tại Quảng Bình. Ở tuổi lên 9, bà đã bắt đầu làm thơ. Lên 10, bà có tập thơ đầu tiên với khoảng 40 bài. Bà từng làm việc tại Ty văn hóa Quảng Bình, năm 1978 đến 1983 học Trường viết văn Nguyễn Du. Sau bà làm phóng viên, biên tập viên Tạp chí Sông Hương của Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. (Ảnh: FB Nguyễn Quang Lập).
Lâm Thị Mỹ Dạ nổi tiếng trên thi đàn từ năm 1971 ở tuổi đôi mươi, sau khi đoạt giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ với bài Khoảng trời, hố bom. Tác phẩm từng được đưa vào giảng dạy trong chương trình ngữ văn cấp ba.
Nhận xét về thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Hồ Thế Hà từng viết: "Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ giàu ý tứ. Tứ thơ bao giờ cũng là bất ngờ. Hình như không tạo được tứ lạ thì bài thơ vẫn còn trong dự tưởng.". Trong khi đó, nhà thơ Ngô Văn Phú cũng nhận định: "Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ hay ở những chỗ bất thần, ngơ ngác và những rung cảm đầy nữ tính".
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ từng là Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên – Huế, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III, Ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam khóa V. Chồng bà – Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng là một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng tại Việt Nam.
Bài thơ 'Khoảng trời, hố bom'
Chuyện kể rằng: em, cô gái mở đường
Ðể cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận
Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Ðánh lạc hướng thù. Hứng lấy luồng bom...
Ðơn vị tôi hành quân qua con đường mòn
Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái
Một nấm mộ, nắng ngời bao sắc đá
Tình yêu thương bồi đắp cao lên...
Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em
Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ
Ðất nước mình nhân hậu
Có nước trời xoa dịu vết thương đau
Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Ðêm đêm, tâm hồn em tỏa sáng
Những vì sao ngời chói, lung linh
Có phải thịt da em mềm mại, trắng trong
Ðã hóa thành những làn mây trắng?
Và ban ngày khoảng trời ngập nắng
Ði qua khoảng trời em
- Vầng dương thao thức
Hỡi mặt trời, hay chính trái tim em trong ngực
Soi cho tôi
Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài?
Tên con đường là tên em gửi lại
Cái chết em xanh khoảng-trời-con-gái
Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em
Gương mặt em, bạn bè tôi không biết
Nên mỗi người có gương mặt em riêng!
Trường Sơn, tháng 10/1972
Theo VNexpress.
Tin liên quan
-
Nguyên Chủ tịch nước và Tổng lãnh sự Ấn Độ viếng chùa Pháp Minh
-
Bí ẩn về ngôi chùa gỗ cao nhất thế giới
-
Công bố Giải báo chí toàn quốc về Phật giáo năm 2024
-
Về ngôi bảo tháp tôn trí Xá lợi răng Phật ở Trung Quốc
-
Lý do chùa Ba Vàng tạm hoãn tổ chức Khóa tu mùa hè năm 2024?
-
Tuyên Quang: Lễ tác pháp An cư kiết hạ PL.2568 tại chùa An Vinh